Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

VUI- BUỒN VĂN HÓA SỐNG CỦA SINH VIÊN

0 nhận xét
Văn hóa điện thoại
Hiện nay, việc các nhà mạng điện thoại di động tung ra rất nhiều gói cước trả trước hoặc trả sau, miễn phí nhiều phút gọi nội - ngoại mạng đang khiến không ít sinh viên đâm đầu vào cuộc đua bất phân thắng bại để đem về những lợi ích riêng. Đằng sau cuộc đua ấy đang đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh trong văn hóa giao tiếp của giới học sinh, sinh viên.
Hiện tượng sinh viên quá lạm dụng điện thoại vào những cuộc mua vui, xô bồ đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân khiến không ít sinh viên gọi điện thoại nhiều như vậy là do các nhà mạng thường tung ra những gói cước trả sau hấp dẫn. Với mỗi tháng mất khoảng 75.000 tiền thuê bao, sinh viên thỏa thích gọi nội mạng mà không mất thêm đồng nào cả. Có người dành hầu hết thời gian của mình cho việc tán gẫu, trò chuyện không mục đích. Bên cạnh đó, việc trò chuyện như vậy không chỉ ảnh hưởng tới bản thân của chính mình mà còn tác động xấu đến những người xung quanh.
Điều đáng nói ở đây là văn hóa điện thoại đang dần thâm nhập vào các giảng đường một cách tùy tiện và thiếu ý thức. Ngày xưa, khi thầy giảng bài thì trò không được làm ồn. Nhưng ngày nay thì khác, sinh viên có thể sử dụng điện thoại bất cứ ở đâu và bất kì lúc nào. Hòa quyện cùng với dòng kiến thức của thầy cô đang truyền đạt lại là những âm thanh nghe thật lạc lõng!

Trong thời đại phát triển hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích mà chiếc điện thoại mang lại, nó có tác động lớn đến công việc và cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, trên giảng đường, chúng ta cần tôn trọng giảng viên, tôn trọng bạn học. Vì vậy, mỗi sinh viên nên để máy ở chế độ rung, và khi có báo hiệu từ máy, ta nên cúi đầu chào thầy/cô như một lời "xin phép” để đi ra ngoài.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có một cái nhìn đúng hơn về văn hóa ứng xử với điện thoại. Nếu không, hiện tượng này cứ tiếp diễn ra và đang trở thành trào lưu, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của sinh viên chúng ta.

Văn hóa đọc 
Sinh viên bây giờ lười hơn trong việc đọc sách. Việc đọc sách của sinh viên ngày nay được coi như là một thứ “xa xỉ” bên cạnh những việc khác trong cuộc sống thường ngày – đó là những nhận xét chung của nhiều giảng viên của các trường đại học.
Ngoài các buổi lên lớp, thời gian còn lại được các bạn sinh viên tận dụng tối đa cho những việc khác như: đi chơi, đi làm thêm,… Nhiều sinh viên cho rằng, chỉ cần đủ điểm qua môn là được, đâu nhất thiết phải đọc nhiều sách.
Chị Mai, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: “Ngoài thời gian trên giảng đường, thời gian còn lại chị dành cho việc đi làm thêm kiếm tiền. Việc đọc sách với chị chỉ được để dành cho tháng ôn thi hết môn hay viết tiểu luận giữa kỳ mà thôi”.
Còn thư viện, nơi cất chứa biết bao tri thức của nhân loại, chỉ được sinh viên trưng dụng trong thời gian ngày thi. Theo số liệu thống kê năm 2010 của Thư viện Quốc gia, số lượt bạn đọc là 268 983 người trong đó sinh viên là 187 862 lượt. Cũng theo số lượng thống kê, sinh viên chỉ lên thư viện học đông nhất vào thời gian thi cử, còn vào những ngày thường số lượng là rất ít. Vào những ngày thi cử, từ thư viện trường đến thư viện quốc gia luôn luôn trong tình trạng quá tải, nhiều bạn sinh viên trường tự nhiên và nhân văn luôn tới trường từ sớm để tranh thủ tìm chỗ ngồi. Đến muộn thì không có chỗ trống nào để ngồi hết.
Thế nhưng, vào những ngày thường, các thư viện luôn vắng người.  Anh Toàn, sinh viên một trường đại học cho biết: “Khi nào thi mới cần lên thư viện để tìm sách đọc còn vào những ngày bình thường, lên thư viện đọc sách thà đi chơi hay ở nhà còn hơn”.
Anh Việt, phòng phục vụ bạn đọc tại Thư viện Quốc gia, nhận định: “Hầu như các bạn sinh viên lên thư viện đọc sách mang tính chất đối phó để vượt qua kỳ thi, phục vụ cho công việc học tập chứ không có ý đọc để nghiên cứu, tìm hiểu sâu cho việc mai đây ra trường. Bên cạnh đó, những cuốn sách hay có thể làm thay đổi cuộc đời, tư duy thì chẳng bao giờ họ động tới.”

Điều này cho thấy văn hóa đọc trong sinh viên đang dần bị mai một. Để văn hóa đọc được nhân rộng và phát triển hơn, cần có những biện pháp cụ thể kích thích niềm đam mê việc đọc sách của sinh viên, có như vậy văn hóa đọc mới được nhân ra rộng rãi. Và thư viện cũng như phòng đọc của Trường Đại học Tài chính – Marketing hiện nay có rất nhiều những đầu sách hay, bổ ích. Các bạn sinh viên chúng ta nên tập những thói quen tốt này để cung cấp cho mình những điều thật sự có ích mà chỉ có sách mới có thể mang lại!

Văn hóa ăn mặc
Không như học sinh phổ thông thường mặc theo mẫu đồng phục, khi lên đại học, sinh viên được thoải mái hơn, nhưng không vì thế mà coi thường phép lịch sự và tính thẩm mỹ trong cách ăn mặc.
Nếu ở bậc học THPT, hầu như các trường đều bắt học sinh mặc đồng phục khi đến trường thì lên Đại học, như một sự giải phóng khỏi khuôn khổ do nhà trường quy định, sinh viên có thể thoải mái mặc những gì mình thích. Nhưng đôi khi, chính sự thoải mái trong môi trường Đại học, khiến nhiều sinh viên ăn mặc theo phong cách thái quá, vượt qua giới hạn về văn hóa ăn mặc trong môi trường sư phạm.
Cách ăn mặc của sinh viên ta giờ cũng khiến không ít người phải ngạc nhiên và lắc đầu không nói. Đối với sinh viên con nhà giàu mốt bây giờ là tóc kiểu xoăn mì tôm, quần xì-kề (CK)... đến trường phải là xe @ hay xe tay ga xịn, kèm theo là những phụ kiện của một dân hightech chính hiệu: laptop, điện thoại di động...

Phải chăng càng học lên cao, văn hóa ăn mặc của một số sinh viên lại càng đi xuống thấp? Mặc như thế nào khi lên giảng đường cũng chính là thể hiện thái độ tôn trọng của sinh viên đối với thầy cô giáo của mình. Đôi khi, văn hóa mặc của sinh viên cũng làm cho nhiều thầy cô không thoải mái mỗi khi lên lớp giảng dạy.
Người xưa thường nói “Trông mặt mà bắt hình dong”. Từ cách nhận xét đó, cũng có thể suy rộng ra: Nhìn cách ăn mặc, có thể biết anh hay chị là ai, là người tử tế, vốn quen với nếp sống có văn hóa hay thuộc loại đua đòi “trưởng giả học làm sang” !?

Tại thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng đều không quy định trang phục đối với sinh viên nhưng với trường của chúng ta – Đại học Tài chính – Marketing thì khác, các bạn sinh viên khi đến trường phải mang quần xẫm màu cùng với áo trắng tinh khôi càng tạo nên vẻ đẹp thuần khiết và một nết văn hóa đậm chất sinh viên UFM.

Lê Quốc Khang - PVT

Leave a Reply

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Web Hosting