Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Bài viết: KHỐN ĐỐN NHƯ SINH VIÊN THỜI “BÃO GIÁ”

0 nhận xét
Vẫn biết “bão giá” hầu như là nỗi ám ảnh với tất cả người dân. Nhưng “nạn nhân” chịu nhiều ảnh hưởng nhất có lẽ phải kể đến đó là giới sinh viên. Phần lớn họ là dân tỉnh lẻ nhưng lại phải ngày ngày đối mặt với cuộc sống xô bồ, đắt đỏ nơi thành thị. Đứng trước hoàn cảnh giá cả leo thang chóng mặt như hiện nay, việc cân bằng giữa việc học và đời sống sinh hoạt quả là bài toán khó với hầu hết các bạn sinh viên...

Thử thách đầu tiên – Giá nhà trọ.
Đối với một thành phố đông dân như TP Hồ Chí Minh thì việc tìm nhà trọ không hề khó khăn, nhưng để có được một nơi ở phù hợp và thoải mái lại mất không ít thời gian và công sức. Đặc biệt với những bạn vừa chân ướt chân ráo lên thành phố, lại không có gia đình bên cạnh, thì việc một mình đi khắp các ngõ ngách để tìm được chỗ trọ ưng ý mất không dưới 1 - 1,5 tháng.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do giá thuê quá đắt trong khi điều kiện sinh hoạt lại thấp. Đơn cử như khu nhà trọ Thành Thái , quận 10: giá thuê ở đây là 2 triệu đồng / 1 phòng nhưng diện tích chỉ đủ cho nhiều nhất 2 người, không gian lại ẩm thấp , giá điện đến 3500đ/1kWh (cao hơn khá nhiều so với mức thông thường), giá nước khoảng 30.000đ/1 người ...


Bạn Lê Như Quỳnh – sv lớp 11DMA1 cho biết tuy đã tìm được một chỗ ở vừa ý nhưng bạn không định sẽ ở lâu dài vì: “Theo như các anh chị ở chung khu trọ thì cứ sau 6 tháng bà chủ lại tăng thêm mỗi phòng là 100.000đ ...”. Những trường hợp thu nhập khá, khách thuê sẵn sàng lắc đầu bỏ qua nhưng đối với học sinh, sinh viên thì mức tăng giá trên khiến không ít người phải chau mày .
Với lý do nhu cầu nhà trọ luôn có sẵn, khách trọ phải đỏ mắt tìm nơi ở nên chủ nhà trọ luôn nắm đằng chui và sẵn sàng đưa ra 1001 cách để tăng giá. Cuối cùng người chịu thiệt vẫn là các bạn sinh viên.
Bữa ăn hàng ngày và điệp khúc “ tăng nữa, tăng mãi ...”
Mặc dù nhà nước đã có nhiều quy định và cam kết về việc không tăng giá nhà trọ, giá thực phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, đó là chuyện ở các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ lớn. Còn ở các chợ nhỏ, chợ cóc thì người bán cứ thoải mái tăng giá, còn người mua chỉ biết kêu trời.
Theo như bạn Kiều My, lớp 11DMA1, tâm sự: “Trong khi 1kg bắp cải mình mua ở siêu thị chỉ mất 10.000đ thì ở chợ lại lên đến 15.000đ – 16.000đ”. Thế nhưng hầu hết các bạn buộc phải chấp nhận mức giá “cắt cổ” ấy với lý do lịch học kín từ 7h đến 11h15 không cho phép các bạn có đủ thời gian để mua hàng tại siêu thị rồi về chuẩn bị bữa ăn khi đã quá trưa, cho nên việc tạt ngang chợ gần nhà dăm mười phút có vẻ là lựa chọn hợp lý nhất .

 
Sinh viên đi chợ nấu ăn nhằm tiết kiệm chi phí
 
Mì gói trở thành thức ăn chính của sinh viên

Giá càng tăng thì khả năng chi tiêu của sinh viên càng giảm mạnh. Từ khi các chợ cóc, chợ nhỏ đua nhau “viết tiếp bài ca tăng giá” cũng là lúc các bạn sinh viên bắt đầu kết thân với đậu, trứng, rau luộc… Thịt cá giờ đây dường như đã trở thành một thứ thực phẩm xa xỉ, chỉ xuất hiện trên mâm cơm của họ vài ba lần trong một tuần. Đó là chưa kể đến những bạn không có điều kiện nấu nướng, phải viện đến mì gói thường xuyên vì cơm bụi cũng tăng giá mà mức độ an toàn thực phẩm lại ngày cảng giảm.
Gác xe máy – đi xe buýt
“Gác xe máy – đi xe buýt” là xu hướng của hầu hết các bạn sinh hiện nay. Ngay cả với các bạn kinh tế có phần thoải mái nhưng đứng trước tình hình xăng tăng giá như thế này cũng ngao ngán  “trùm mền” chiếc xe máy của mình mà thay vào đó là tập dần thói quen đi xe buýt. Dù với xe máy bạn có thể linh hoạt, làm chủ thời gian và địa điểm nhưng mỗi tháng tính ra số tiền mà bạn phải trả cho việc đi lại cũng đủ khiến bạn phải toát mồ hôi.
Là một trong những người lựa chọn phương pháp di chuyển tiết kiệm – bạn Vương Thị Huế, lớp 11DMA1, cho biết mỗi ngày bạn đi từ nhà (tại Gò Vấp) đến trường (Tân Bình) và từ trường về nhà chỉ mất đúng 6.000đ – một mức giá rẻ hơn rất nhiều so với đi xe máy.


Tuy nhiên đằng sau bài toán tiết kiệm ấy là vô số những vấn đề nảy sinh xung quanh chuyện đi xe buýt của sinh viên. Huế tâm sự mỗi ngày bạn phải đi bộ những 15-20 phút từ nhà đến trạm xe buýt, tiếp đó là cảnh chờ xe rồi cùng hàng chục con người chen nhau trong một không gian chừng vài mét vuông, có khi lại dở khóc dở cười nhìn theo 3-4 lượt xe không chịu dừng lại để nhận thêm khách vì đã quá tải. Đó là chưa kể đến thời gian chết mà các bạn phải di chuyển từ trạm xuống tới nơi mình cần đến ..v..v..
Quả thật xe buýt là lựa chọn tiết kiệm nhất trong thời đại “bão giá” hiện nay nhưng khách quan mà nói, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề gây khó khăn cho các sinh viên chúng ta.
Trăm phương nghìn cách xoay sở
Khi giá cả ngày càng đắt đỏ, kinh tế eo hẹp, người ta thường lựa chọn phương pháp “thắt lưng buộc bụng” với đủ mọi cách từ góp gạo thổi cơm chung, tích cực xin tiếp tế bằng “hiện vật” từ quê nhà (gồm gạo, rau củ phơi khô...) rồi tìm thêm người ở ghép, hạn chế giao lưu bạn bè, chỉ mua những đồ thực sự cần thiết...

 
Đi làm thêm đã trở thành chuyện thường ngày với nhiều sinh viên

Nhiều sinh viên còn lựa chọn cho mình phương thức là đi làm thêm, kiếm thêm tiền để vừa đủ tiêu lại đỡ đần phần nào cho gia đình. Đa phần các bạn chọn những công việc bán thời gian như: gia sư, phát tờ rơi, coi xe, phục vụ quán ăn, bán sim điện thoại ... Chạy đua tìm việc làm thêm cũng là giải pháp tốt để chống tăng giá. Tuy nhiên giải pháp này để lại nhiều hậu quả khó lường: không có thời gian học tập, mệt mỏi, ốm đau vì làm quá sức, thi lại, học lại nhiều môn…

Kết
Rõ ràng là “bão giá” đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống sinh viên. Đời sống sinh viên bấp bênh, chất lượng cuộc sống thấp thì khó có thể toàn tâm vào việc học tập, thi cử. 
Đó là còn chưa kể đến việc nhiều sinh viên vướng vào các tệ nạn xã hội: cá độ, cờ bạc, lô đề, lừa đảo… mà nguyên nhân cũng có phần bắt nguồn từ việc tăng giá, thiếu tiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.
Sinh viên trọ học xa nhà, tiếp xúc với một môi trường mới vốn đã gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trong thời buổi tăng giá vũ bão như hiện nay, những khó khăn đó lại tăng lên gấp bội.Thế nên Nhà Nước cần kịp thời có những biện pháp mạnh mẽ, sát sao hơn nữa để sinh viên có thể ổn định, tập trung vào việc chính của mình là học tập .

Bài viết: Nguyễn Thụy Tường Vân – PVT.UFM

Leave a Reply

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Web Hosting